Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Google - câu chuyện thần kỳ - Kỳ 4: Bắt tay "ông lớn"

Thị trường chứng khoán của các nhà cung cấp Internet sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2000. Làm ăn thua lỗ, phá sản xảy ra khắp nơi tại Thung lũng Silicon nhưng không xảy ra với Google.

Đây là thời cơ “không thể tốt hơn” đối với sự phát triển lớn mạnh, vững chắc của Google. Các kỹ sư phần mềm và các nhà toán học tên tuổi, những người chợt nhận ra mình đã bị thất nghiệp hoặc đang nắm giữ một đống cổ phiếu như một mớ giấy lộn, cơ hội có một không hai của họ là cống hiến và gắn bó với Google.
"Đừng là quỉ dữ"

Khi đang trên đà phát triển, đối thủ cạnh tranh chính của Google lúc đó là Mircrosoft gặp phải những trở ngại lớn. Tháng 6-2000, Microsoft đã mở màn một vụ kiện lớn gây nhiều tranh cãi. Trong suốt vụ kiện, Bill Gates - ông chủ Microsoft, đồng thời cũng là bên khởi kiện - bị nhiều người mô tả như kẻ đi bắt nạt hay một tên độc quyền.

Đến cuối vụ kiện, khi thẩm phán Tòa án tối cao liên bang Thomas Penfield Jackson tuyên bố những ràng buộc của trình duyệt Internet Explorer trong hệ điều hành Windows vi phạm luật chống độc quyền, Microsoft đã cay đắng chịu mất một khoản tiền hàng triệu USD. Một lần nữa, Google lại hưởng lợi từ sự kiện và thời điểm.

Nhiều kỹ sư từng làm việc với Microsoft dần nhận ra rằng nó như một lãnh chúa trong lĩnh vực phần mềm, ngược lại Google cho thấy mình là một doanh nghiệp tươi mới cùng với vầng hào quang chiếu rọi xung quanh, giương cao khẩu hiệu “Đừng là quỉ dữ” và tự hào với hai sáng lập viên trẻ tuổi nổi danh là hai gã đẹp trai.

Sự yêu mến ngày càng tăng của người sử dụng đối với Google đã tạo động lực để Google tiến xa hơn. Công ty này được đánh giá là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet với 99% người sử dụng xác nhận tính ưu việt hơn hẳn so với đối thủ. Google cũng rất chú ý đến thị trường các trường đại học, cung cấp cho họ logo sặc sỡ quen thuộc và hộp tìm kiếm trên trang web của họ, nuôi dưỡng nhân tài mới từ những sinh viên có kết quả học tập tốt.

Tạp chí The New Yorker số ra tháng 5-2000 đã miêu tả Google như một “công cụ tìm kiếm dành cho số đông”. Cũng trong tháng này, tờ Time Digital đã tán dương Google khi nói rằng “Google sắc bén như tia laser, còn các đối thủ cạnh tranh chỉ như một lưỡi gươm cùn”.

Khi các công ty công nghệ khác tại Thung lũng Silicon đang chuẩn bị đóng cửa, Sergey Brin và Larry Page giăng khẩu hiệu xuống đường: “Đừng vội nản chí. Google sẽ sớm đến với người Pháp, người Đức, người Ý, người Thụy Điển, người Phần Lan, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Na Uy và người Đan Mạch”.

Google đã dịch trang chủ ra một số thứ tiếng khác nhằm đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa của mình bằng những tính năng thuận tiện hơn. Google cũng bắt đầu giới thiệu tính năng tìm kiếm không dây, nhờ đó người sử dụng có thể dùng dịch vụ của Google bằng điện thoại di động.

Sau đó, thay vì ngồi đợi người sử dụng tự tìm đến với Google.com, công ty chủ động bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu của mình. Trong chương trình mới của Google, các trang web tin tức, mua bán và các trang web khác có thể đăng ký để đặt một hộp tìm kiếm của Google trên trang chủ của mình, việc này vừa cung cấp cho khách hàng khả năng sử dụng Google vừa kiếm tiền từ những dịch vụ trung gian.

Click this bar to view the full image.

Trụ sở chính của Google tại Mountain View (California, Mỹ) - Ảnh tư liệu


Thỏa thuận Yahoo!, bắt tay AOL

Tháng 6-2000, Google thực hiện một bước tiến to lớn hướng tới việc được công nhận trên toàn cầu bằng việc ký kết thỏa thuận với Yahoo! cung cấp Internet mạnh song song với cung cấp những kết quả tìm kiếm phát sinh từ Google.

Thương vụ này đã mở rộng sự xuất hiện và hình ảnh của Google trên web, đưa nó đến với hàng triệu người sử dụng khác hằng ngày. Brin đánh giá việc thỏa thuận được với Yahoo! “là một dấu mốc lịch sử của Google và một minh chứng mạnh mẽ cho chiến lược kinh doanh của Google”. Vào đầu năm 2001, Google làm một điều gây kinh ngạc khác, đó là thực hiện 100 triệu phép tìm kiếm/ngày và 10.000 phép tìm kiếm/giây. Google cũng được đưa vào từ điển của Mỹ như một động từ.

Khi vụ khủng bố vào nước Mỹ xảy ra ngày 11-9-2001, lưu lượng tìm kiếm của Google đã bị quá tải. “Hàng loạt những trang tin tức quan trọng bị quá tải do dung lượng lưu chuyển quá lớn và không thể truyền tải được những thông tin nóng hổi - Brin và Page đã ghi nhận lại - Google đã làm hết sức để đáp ứng được nhu cầu bằng cách đưa ra phiên bản lưu trữ những câu chuyện tin tức trên trang chủ của Google và tiếp tục truyền tải đầy đủ những thông tin quan trọng trên toàn thế giới.

Trong những ngày thường hay trong các sự kiện đặc biệt như vậy, Google - với 66 ngôn ngữ khác nhau - dần được thêu dệt thành một kết cấu của nền văn hóa Mỹ, đồng thời là kết cấu của cộng đồng thế giới.

Những số liệu cuối năm cho thấy chiến lược kinh doanh của Page và Brin đang gặt hái thành công. Một công ty với tuổi đời chỉ có ba năm đã có một vị trí tốt hơn rất nhiều so với các công ty khác trong lĩnh vực Internet.

Việc không ngừng tập trung vào sáng tạo và phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp đã tạo nên động lực cho việc đưa ra những sản phẩm mới và những lĩnh vực cho sự phát triển kinh doanh mũi nhọn. Lượng truy cập vẫn tăng lên không ngừng. Và những quảng cáo đã bắt đầu đem lại doanh thu, mặc dù mọi việc mới chỉ bắt đầu, Google nhận được khoản lợi nhuận hằng năm đầu tiên của mình từ quảng cáo khoảng 7 triệu USD.

Năm 2002, Google đạt được những đỉnh cao tài chính mới. Ngày 1-5, Công ty America Online (AOL) có tài sản web kết nối với 34 triệu thuê bao Internet đã nhận Google làm công cụ tìm kiếm tự chọn trên các trang web của mình.

Bắt đầu từ thời điểm này, trên tất cả trang web của những người sử dụng dịch vụ của AOL đều có một hộp tìm kiếm nhỏ với nội dung “Tìm kiếm bằng Google”. Qui mô của AOL đã mở rộng phạm vi của Google nhiều hơn bất cứ đối tác nào mà Google có thể hợp tác cùng trong suốt thời gian đó. Kết quả này cũng chính là một việc làm mang tính cạnh tranh vì Google đã đánh bại công ty đối thủ quảng cáo tìm kiếm là Overtune trước đây đã từng cung cấp quảng cáo cho AOL để hợp tác với AOL.

Việc Google liên kết với AOL một lần nữa làm AOL lại đối đầu với Microsoft. Trong nhiều năm, Microsoft thường đe dọa xóa bỏ dịch vụ của AOL bằng cách đầu tư nhiều tiền để quảng bá dịch vụ Internet có khả năng cạnh tranh của họ là MSN và bằng việc cung cấp thư điện tử miễn phí qua dịch vụ phụ là Hotmail.

Sau khi mua xong Công ty Netscape, AOL chỉ có thể bị xóa sổ khi Microsoft cung cấp dịch vụ trình duyệt Internet Explorer miễn phí cho người sử dụng Internet. AOL lúc này lại đệ đơn kiện Microsoft vì có những hành động không công bằng và không mang tính cạnh tranh gây thiệt hại cho AOL.

Về phần mình, Microsoft chọn Công ty Overtune để cung cấp các quảng cáo cho dịch vụ tìm kiếm của mình. Trong cuộc chiến khi công khai lúc kín đáo giữa Google và Microsoft, cả hai bên đều muốn nỗ lực hết mình để giành được tay trên, giành được lợi thế cạnh tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét