Page gặp Brin
Click this bar to view the full image. |
Larry Page và Sergey Brin thuê một khoảng trống trong gara ôtô ở Menlo Park làm văn phòng đầu tiên - Ảnh tư liệu
Cả Larry Page lẫn Sergey Brin đều sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và trí thức, đặc biệt là các lĩnh vực về tin học, toán học và tương lai học. Page sinh ngày 26-3-1973 tại Mỹ, mẹ của Page là người Do Thái, còn bố anh sùng bái công nghệ. Brin sinh ngày 21-8-1973, cùng cha mẹ rời Liên Xô khi cậu mới 6 tuổi.
Cha mẹ của Brin cũng là những người giàu kiến thức về khoa học và công nghệ. Mẹ anh là một nhà khoa học đầy thành tựu tại Trung tâm vũ trụ Goddard thuộc NASA. Page và Brin tập trung vào việc theo đuổi tấm bằng tiến sĩ chứ không phải để làm giàu. Trong gia đình họ, không gì danh giá hơn là học vấn cao. Ngoài việc tự hào về con đường trí thức mà cha mẹ họ theo đuổi, cả hai đều mong muốn trở thành tiến sĩ của Trường Stanford một ngày nào đó. Cả hai không mảy may suy nghĩ rằng rồi đây con đường học vấn mà họ đã chọn sẽ bị thử thách.
Tháng 1-1996, Page và Brin cùng các sinh viên và cán bộ giảng dạy khoa tin học Trường Stanford chuyển đến một nơi mới: một tòa nhà đẹp bốn tầng ốp đá màu be có khắc dòng chữ Khoa tin học William Gates. Chủ tịch Hãng Microsoft - Bill Gates - đã đóng góp 6 triệu USD để xây dựng tòa nhà, với số tiền đó Bill Gates có quyền đặt tên cho tòa nhà. Page ở phòng Gates 360 cùng với bốn sinh viên khác. Brin được phân sang một văn phòng khác, nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian làm việc với Page ở phòng Gates 360.
Phòng Gates 360 trông giống như một khu rừng nhỏ, với các cây thân leo vắt vẻo trên trần nhà. Trong một góc phòng, dưới gầm bàn của Page, họ xếp mô hình một chiếc máy tính từ các mảnh ghép Lego. Cả hai đều không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày họ sẽ cạnh tranh với người khổng lồ Bill Gates.
Một trong những chủ đề Page thích bàn luận lúc đó là phát minh các hệ thống khai thác dữ liệu ưu việt hơn. Họ thành lập một đội nghiên cứu mới mang tên MIDAS, viết tắt của cụm từ Mining Data at Stanford (khai thác dữ liệu Trường Stanford). Trong truyền thuyết Hi Lạp, Midas là vị vua có khả năng kỳ diệu: chạm vào cái gì, cái đó biến thành vàng.
Trong khi khai thác dữ liệu, họ làm thí nghiệm sắp xếp sao cho tiện lợi thông tin trên mạng Internet đang phát triển mạnh mẽ nhưng tổ chức lộn xộn. Vào giữa những năm 1990, hàng triệu người truy cập và bắt đầu giao tiếp qua thư điện tử, nhưng các nhà nghiên cứu nghiêm túc bắt đầu bực mình giữa một “rừng” trang web. Trong khi đó, các sinh viên bậc tiến sĩ Trường Stanford, Jerry Yang và David Filo, đã tìm kiếm theo phương pháp khác. Không chỉ dựa vào mỗi công nghệ, họ thuê một đội ngũ biên tập viên ngồi lựa chọn các trang web theo thứ tự bảng chữ cái. Họ đặt tên cho công ty của mình là Yahoo!.
Mặc dù phương pháp của họ đã đơn giản hóa chỉ tìm kiếm những thông tin giá trị, nhưng nó vẫn chưa toàn diện và không theo kịp được sự phát triển như vũ bão của các trang web. Brin cũng đã từng thử các công cụ và danh bạ tìm kiếm khác nhưng chẳng có trang web nào tối ưu cả. Brin ngày càng tin rằng phải có một cách khác tốt hơn để tìm kiếm thông tin trên mạng. Cùng lúc đó, Page - một người đầy tham vọng - muốn tải toàn bộ các trang web toàn cầu xuống máy tính của mình.
Tấm séc 100.000 USD
Trích:
Trong khi Larry Page và Sergey Brin xem công cụ tìm kiếm này là một phần đặc biệt và quan trọng nhất đối với những người truy cập mạng Internet tìm kiếm thông tin, những người khác lại chỉ coi đó là phần phụ, đơn giản chỉ là một trong số những công cụ thêm vào làm phong phú phần dịch vụ trên trang web hơn. Nhưng bộ đôi này không đầu hàng. Một giảng viên Trường Stanford nhận xét: “Quan điểm của họ về những người có quyền lực hơi bi quan. Nếu thấy thế giới đang đi theo một hướng thì họ tin rằng phải có con đường khác và tin rằng “Cả thế giới đang lầm đường lạc lối” hơn là “Chúng ta nên xem xét lại mình”. Họ rất tự tin vào cách thức của mình và cho rằng mọi người đều sai lầm”.
Trong phòng tắm nóng ở văn phòng Menlo, Larry và Sergey có thể vừa làm việc vừa giải trí - Ảnh tư liệu |
Đầu năm 1997, Page đã tạo ra công cụ tìm kiếm cơ bản, anh đặt tên công cụ này là BackRub bởi nó liên quan các đường dẫn tới các trang web, giúp người sử dụng sắp xếp kết quả tìm kiếm được theo một trật tự logic. Lần đầu tiên có một cách tìm kiếm trên Internet đạt kết quả hữu ích nhanh chóng.
Mùa thu năm 1997, Brin và Page quyết định BackRub cần thay một cái tên khác. Page thấy đặt một cái tên bắt mắt mà chưa ai từng đặt thật khó khăn. Do đó, anh hỏi cậu bạn cùng phòng nghiên cứu Sean Anderson giúp mình.
Anderson nhớ lại: “Tôi viết những ý tưởng của mình lên bảng nhưng anh ấy đều không thích. Mất mấy ngày liền như vậy, anh ấy bắt đầu chán nản và chúng tôi lại cùng nhau suy nghĩ tiếp. Tôi ngồi cạnh chiếc bảng và một trong số những ý tưởng cuối cùng là: sao không là Googleplex nhỉ? Tôi gợi ý: Các cậu định lập một công ty chuyên tìm kiếm và tra cứu, giúp con người tổ chức cả núi dữ liệu. Googleplex có nghĩa là một con số khổng lồ. Anh ấy đã thích cái tên này. Anh ấy nói: Vậy sao ta không thử là Google? Anh ấy muốn ngắn gọn hơn. Tôi gõ G-o-o-g-l-e, đánh vần sai từ này và chưa ai đăng ký cái tên này. Page thấy hay, sau đó anh đăng ký cái tên này ngay tối hôm đó và viết lên bảng Google.com. Sáng hôm sau tôi tới văn phòng, Tamara đã viết thêm lên đó: Cậu đánh vần sai rồi. Nó phải là Googol. Tất nhiên, mọi chuyện đã an bài”.
Năm 1997, công cụ tìm kiếm này chỉ được phổ biến rộng rãi khắp Stanford, mọi người đều truyền miệng nhau về Google. Do cơ sở dữ liệu và lượng người sử dụng tăng lên, Brin và Page cần thêm nhiều máy tính. Thiếu tiền, họ tiết kiệm bằng cách mua các linh kiện và tự lắp ráp lấy, rồi họ còn ra cảng dỡ hàng, “mượn tạm” những chiếc máy tính vô chủ. Các thầy hướng dẫn, những người biết họ đang rất thiếu thốn, đã tặng họ số tiền 10.000 USD từ Dự án thư viện điện tử Stanford. Sau khi thu thập nhiều máy tính tới nỗi chật kín văn phòng Gates 360, họ biến phòng ngủ của Page thành trung tâm dữ liệu.
Vào một ngày nắng cuối tháng 8-1998 ở California, Page và Brin ngồi dưới mái hiên một ngôi nhà ở Palo Alto háo hức đợi “thiên thần của Thung lũng Silicon” là Andy Bechtolsheim, một nhà đầu tư nổi tiếng. Sau khi Page và Brin trình bày bản thử nghiệm và nói chuyện, Bechtolsheim đánh giá cao và hiểu được bước đột phá mà nhờ đó Google có thể đem lại kết quả tìm kiếm tuyệt vời. Ngay lập tức, ông đề nghị đưa cho họ một tấm séc để mua máy tính và ông có thể tiếp tục bàn bạc thêm với họ trong lần gặp gỡ sau. Không đàm phán gì thêm, Bechtolsheim viết một tấm séc đề 100.000 USD cho “công ty Google”. Bechtolsheim phóng chiếc Porsche đi sáng hôm đó mà không hề biết được tầm quan trọng lớn lao ông vừa làm. Ông tâm sự sau đó: “Trong suy nghĩ của tôi, họ sẽ có được hàng triệu người sử dụng Google và họ sẽ hái ra tiền”.
Khi Brin và Page rời Trường đại học Stanford mùa thu năm 1998, theo đuổi việc xây dựng công cụ tìm kiếm tốt nhất thế giới, họ dời máy tính, thiết bị máy móc và đồ chơi của mình sang gara ôtô và một số phòng trong một ngôi nhà có bồn tắm nóng ở gần Menlo Park. Brin và Page có thể thuê diện tích đó với giá 1.500 USD/tháng nhưng họ đã chọn việc trả 1.700 USD/tháng để không cần phải trả thêm các khoản phí lẫn thuế nào nữa và mọi việc xuôi chèo mát mái ngay từ đầu. Ngày 7-9-1998, họ chính thức thành lập Công ty Google. Sau đó, họ mở tài khoản ngân hàng đầu tiên và gửi tấm séc trị giá 100.000 USD của Bechtolsheim vào đó. Họ thuê Craig Silverstein, bạn đồng môn theo học tiến sĩ tại Trường Stanford, làm nhân viên đầu tiên của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét